Việc trừng phạt thân thể đối với trẻ em ở Việt Nam

CẬP NHẬT MỚI NHẤT: tháng Tư, 2018

Tóm tắt các cải cách pháp lý cần thiết để tiến đến nghiêm cấm hoàn toàn

Việc nghiêm cấm vẫn chưa đạt mức hoàn toàn trong các bối cảnh trong nhà và ở nơi chăm sóc ngoài gia đình và với dịch vụ trông trẻ.

Dường như luật pháp không chấp nhận lời bào chữa nào cho việc "trừng phạt hợp lý" hoặc các lí do tương tự, nhưng các quy định pháp lý để bảo vệ trẻ em khỏi bạo hành và xâm phạm không được diễn giải thành nghiêm cấm mọi trừng phạt thân thể. Việc gần như toàn xã hội chấp nhận trừng phạt thân thể trong quá trình nuôi dưỡng trẻ đòi hỏi luật pháp phải nêu rõ ràng rằng không mức độ trừng phạt thân thể nào được chấp nhận. Mọi trừng phạt thân thể hoặc các hình thức trừng phạt tàn nhẫn hay làm nhục khác nên bị nghiêm cấm ở nhà hoặc những bối cảnh khác, nơi người trưởng thành có quyền uy đối với trẻ em.

Bối cảnh chăm sóc ngoài gia đình – Trừng phạt thân thể nên bị nghiêm cấm trong bối cảnh chăm sóc ngoài gia đình (nhận nuôi, các tổ chức nuôi dưỡng, nơi an toàn, chăm sóc khẩn cấp, v.v.).

Dịch vụ trông trẻ – Trừng phạt thân thể nên bị nghiêm cấm với các dịch vụ trông trẻ ở tuổi mầm non (nhà trẻ, trung tâm chăm sóc, trường mẫu giáo, trường dự bị, trung tâm gia đình, v.v.) và dịch vụ trông trẻ lớn hơn (trung tâm trông trẻ buổi sáng, trung tâm trông trẻ sau giờ học, trông trẻ tại nhà v.v.).

Hiện trạng pháp lý của việc trừng phạt thân thể

Tại nhà

Trừng phạt thân thể ở nhà là hợp pháp. Các điều khoản chống lại việc bạo hành và xâm hại trẻ em trong Luật trẻ em 2016, Bộ luật hình sự 2015, Luật Hôn nhân và Gia đình (điều 26) và Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2007 đều không được diễn giải thành nghiêm cấm mọi trừng phạt thân thể trong quá trình nuôi dưỡng trẻ.

Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 định nghĩa bạo lực gia đình là "hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình" (điều 1). Các hành vi bạo hành gia đình được liệt kê, bao gồm "hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng" và "lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm" (điều 2). Tuy nhiên, luật không nghiêm cấm rõ ràng trừng phạt thân thể nhằm mục đích "kỷ luật" trẻ em.

Bộ luật hình sự có một điều khoản cụ thể về tội ngược đãi các thành viên trong gia đình (điều 185). Bộ luật dân sự 2015 xác nhận quyền của tất cả cá nhân "được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể" và nêu rằng "cá nhân có quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, thân thể, quyền được pháp luật bảo hộ về sức khỏe" (điều 33). Nhưng những bộ luật này không nghiêm cấm rõ ràng mọi trừng phạt thân thể đối với trẻ em.

Luật Hôn nhân và Gia đình 2000 nêu rằng các bậc cha mẹ "có nghĩa vụ và quyền thương yêu, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con" và cha mẹ không được "phân biệt đối xử giữa các con, ngược đãi, hành hạ, xúc phạm con" (điều 34). Bộ luật này không nghiêm cấm rõ ràng mọi trừng phạt thân thể trong quá trình nuôi dưỡng trẻ.

Tháng 11/2013, Hiến pháp mới năm 2013 có hiệu lực. Khoản 1 điều 20 bảo vệ nhân phẩm con người nhưng cũng không nghiêm cấm rõ ràng mọi trừng phạt thân thể: "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm." Tuy nhiên, Chính phủ chỉ ra rằng điều 20 có nghiêm cấm trừng phạt thân thể.[1] Tương tự, khoản 1 điều 37 nghiêm cấm bạo hành và xâm phạm trẻ em nhưng cũng không nghiêm cấm rõ ràng mọi trừng phạt thân thể: "Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em."

Trong báo cáo đến Ủy ban quyền trẻ em Liên Hiệp Quốc vào năm 2012, Chính phủ tuyên bố theo hiến pháp và các luật khác, trừng phạt thân thể là vi phạm pháp luật trong môi trường gia đình, trường học và các trung tâm giáo dục.[2] Tuy nhiên, như đã nêu ở trên, không có sự nghiêm cấm rõ ràng trong luật; chính phủ cũng cho biết về ý định sẽ thêm một điều khoản về hình phạt thân thể trong bản thảo sửa đổi của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.[3]

Luật trẻ em 2016 được thông qua vào tháng 4/2016 và thay thế Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004. Luật trẻ em nêu rằng trẻ em có quyền "được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực" (điều 27);  cha mẹ có trách nhiệm giáo dục trẻ trong một "gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc" (điều 98). Nhưng luật vẫn chưa nêu rõ rằng mọi trừng phạt thân thể, dù nhẹ, đều bị nghiêm cấm. Luật này có hiệu lực vào ngày 1/6/2017.

Bộ luật hình sự mới và Bộ luật tố tụng hình sự mới được thông qua vào năm 2015, nhưng nghị quyết của Quốc hội ban hành vào tháng 7/2016 đã trì hoãn việt thực thi đa số điều khoản trong hai bộ luật trên, do một số sai sót về tính chặt chẽ trong văn bản Bộ luật hình sự 2015. Bộ luật sửa đổi Bộ luật hình sự 2015 được thông qua tại Quốc hội vào năm 2017 và cả hai Bộ luật hình sự 2015 và Bộ luật tố tụng hình sự 2015 bắt đầu có hiệu lực vào tháng 1/2018. Cả hai bộ luật này không nghiêm cấm rõ ràng mọi trừng phạt thân thể đối với trẻ em, kể cả ở trong nhà.

Bối cảnh chăm sóc ngoài gia đình

Không có sự nghiêm cấm rõ ràng các hình phạt thân thể trong bối cảnh chăm sóc ngoài gia đình, theo đó, trừng phạt thân thể cũng hợp pháp như đối với cha mẹ (xem mục "Tại nhà").

 

Dịch vụ trông trẻ

Không sự nghiêm cấm rõ ràng trừng phạt thân thể với các dịch vụ trông trẻ ở tuổi mầm non và dịch vụ chăm sóc trẻ lớn hơn.

 

Trường học

Việc trừng phạt thân thể trong trường học là vi phạm pháp luật, chiếu theo điều 75 của Luật giáo dục 2005, nêu rằng giáo viên không được có các hành vi "xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể của người học". Có một số điều khoản khác trong luật về việc bảo vệ danh dự và nhân phẩm của học sinh như Nghị định số 163/2003/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, Luật Phổ cập giáo dục tiểu học và Nghị định số 338-HĐBT, ngày 26/10/1991 về thi hành Luật phổ cập giáo dục tiểu học.

 

Cơ sở giam giữ

Việc dùng hình phạt thân thể làm hình thức kỷ luật ở các cơ sở giam giữ là vi phạm pháp luật chiếu theo điều 30 của Luật trẻ em 2016, nêu rằng: "Trẻ em có quyền được bảo vệ trong quá trình tố tụng và xử lý vi phạm hành chính; (…) không bị tra tấn, truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể, gây áp lực về tâm lý và các hình thức xâm hại khác".

Các luật khác liên quan bao gồm Luật tố tụng hình sự 2015 (điều 10), Luật thi hành tạm giữ tạm giam 2015 (điều 4 và 8), Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 (điều 14) và Nghị định số 114/2006/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về dân số và trẻ em (điều 21). Nghị định số 33/CP năm 1997 ban hành quy chế về trường giáo dưỡng để tạm giam những trẻ em vi phạm pháp luật, đảm bảo danh dự và nhân phẩm của trẻ nhưng cũng không nghiêm cấm rõ ràng trừng phạt thân thể như một biện pháp kỷ luật.

 

Hình phạt hình sự

Trừng phạt thân thể như một hình phạt hình sự là vi phạm pháp luật. Không có điều khoản nào dành cho việc phán quyết hình phạt thân thể trong luật hình sự.

 

[1] 09/01/2018, CCPR/C/VNM/3, Báo cáo thứ ba, đoạn 72, 73 và 74

[2] 24/05/2012, CRC/C/VNM/Q/3-4/Add.1, Written replies to the List of Issues, đoạn 73; 31/07/2012, CRC/C/SR.1703, Biên bản phiên họp thứ 1703, đoạn 9

[3] 22/08/2012, CRC/C/VNM/C0/3-4, Nhận xét cuối cùng về báo cáo thứ ba/tư, đoạn 45; 31/07/2012, CRC/C/SR.1703, Biên bản phiên họp thứ 1703, đoạn 9

Kiểm điểm định kỳ phổ quát về tình hình nhân quyền ở Việt Nam

Việt Nam được tiến hành kiểm điểm định kỳ phổ quát chu kỳ một vào năm 2009 (kỳ 5). Không có khuyến nghị cụ thể nào về việc trừng phạt thân thể đối với trẻ em. Tuy nhiên, các khuyến nghị sau được đặt ra và được chính phủ Việt Nam chấp thuận:[1]

"Tiếp tục làm tròn những nghĩa vụ của nhà nước theo các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia (Algeria);

"Tiếp tục cải thiện ở những lĩnh vực sau: xóa nghèo, quyền trẻ em, quyền phụ nữ và quyền của người khuyết tật (Singapore)

"Tiếp tục những cải cách hiện hành, đặc biệt chú trọng đến việc thúc đẩy các quyền của phụ nữ và trẻ em, để đảm bảo những biện pháp bảo vệ cần thiết và sự phát triển cá nhân của họ (Tunisia)"

Chu kỳ kiểm điểm thứ hai của Việt Nam diễn ra năm 2014 (kỳ 18). Không có khuyến nghị cụ thể nào về việc trừng phạt thân thể. Tuy nhiên, các khuyến nghị sau được đặt ra và được chính phủ Việt Nam chấp thuận:[2]

"Đáp ứng đầy đủ các khuyến nghị và các vấn đề quan tâm của Ủy ban Quyền Trẻ em về lạm dụng trẻ em và phân bổ nguồn lực kinh tế (Albania)

"Tăng cường hệ thống quốc gia về điều tra các khiếu nại về xâm hại và sao nhãng trẻ em, xóa bỏ bạo lực với trẻ em và thiết lập các chính sách để bảo vệ trẻ em khỏi tất cả các hình thức bạo lực (Ba Lan)"

 

[1] 05/10/2009, A/HRC/12/11, Báo cáo của ban công tác, đoạn 99(1), 99(73) và 99(82)

[2] 02/04/2014, A/HRC/26/6, Báo cáo của ban công tác, đoạn 143(69) và 143(120)

Khuyến nghị của các tổ chức nhân quyền

Ủy ban Quyền trẻ em

(22/08/2012, CRC/C/VNM/C0/3-4, Nhận xét cuối cùng về báo cáo thứ ba/tư, đoạn 45 và 46)

"Ủy ban quan ngại về sự phổ biến của việc trừng phạt thân thể trong gia đình và nhiều cha mẹ vẫn cho rằng tát con là một biện pháp phù hợp để kỉ luật trẻ. Mặc dù ghi nhận tuyên bố của Việt Nam trong buổi đối thoại rằng Việt Nam dự kiến xem xét điều khoản về trừng phạt thân thể khi sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004, Ủy ban tiếp tục quan ngại rằng Việt Nam vẫn chưa thông qua luật nghiêm cấm tất cả các hình thức trừng phạt thân thể trong mọi hoàn cảnh, bao gồm ở nhà, mặc dù đã có khuyến nghị trước đây của Ủy ban (CRC/C/15/Add.200, đoạn 34 (e)).

"Ủy ban khuyến nghị Việt Nam cần sửa đổi luật pháp trong nước, bao gồm việc dự kiến sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 để đảm bảo việc nghiêm cấm tất cả các hình thức trừng phạt thân thể trong mọi hoàn cảnh dựa trên Bình luận chung số 8 năm 2006 của Ủy ban về quyền trẻ em được bảo vệ khỏi trừng phạt thân thể và các hình thức trừng phạt tàn nhẫn, gây mất phẩm giá và Bình luận chung số 13 năm 2011 về quyền trẻ em được bảo vệ khỏi mọi hình thức bạo lực. Ủy ban khuyến nghị thêm rằng Việt Nam cần nâng cao hiểu biết cho cha mẹ và cộng đồng về ảnh hưởng tiêu cực của trừng phạt thân thể tới sức khỏe của trẻ em và những biện pháp kỷ luật thay thế khác phù hợp với quyền trẻ em thông qua việc thực hiện hiệu quả Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011 – 2015."

 

y ban Quyn tr em

(18/03/2003, CRC/C/15/Add.200, Nhận xét cuối cùng về báo cáo thứ hai, đoạn 33 và 34)

"Ủy ban quan ngại rằng trẻ em ở Việt Nam chịu nhiều hình thức bạo hành và ngược đãi khác nhau, bao gồm xâm hại và xao nhãng trẻ em và trừng phạt thân thể.

"Ủy ban khuyến nghị Việt Nam cần:

e) nghiêm cấm rõ ràng mọi hình phạt thân thể ở nhà, trường học và tất cả các cơ sở khác;

f) tiến hành những chiến dịch truyền thông để phổ biến về hậu quả của việc ngược đãi trẻ em và cổ vũ những hình thức kỷ luật không bạo lực, tích cực để thay thế trừng phạt thân thể."

Nghiên cứu về độ phổ biến/thái độ trong mười năm qua

Nghiên cứu theo thời gian của tổ chức Young Lives, phân tích hai nhóm trẻ em ở Ethiopia, Ấn Độ (bang Andhra Pradesh và Telangana), Peru và Việt Năm trong hơn 15 năm, phát hiện rằng ở Việt Nam, 59% số trẻ 8 tuổi và 13% số trẻ 15 tuổi nói rằng từng bị trừng phạt thân thể bởi một giáo viên trong tuần vừa qua; 20% số trẻ 8 tuổi và 1% số trẻ 15 tuổi nói rằng từng thấy các trẻ khác bị trừng phạt thân thể. Trong nhóm trẻ 8 tuổi, trừng phạt thân thể phổ biến hơn ở nam (28%) hơn là nữ (11%), phổ biến hơn ở khu vực thành thị (29%) hơn là nông thôn (18%) và phổ biến hơn ở trường tư (33%) hơn là trường công (19%). Hơn 5% số trẻ 8 tuổi cho biết "bị giáo viên đánh" là lý do quan trọng nhất để không thích trường học.

(Ogando Portela, M. J. & Pells, K. (2015), Corporal Punishment in Schools: Longitudinal Evidence from Ethiopia, India, Peru and Viet Nam, Innocenti Discussion Paper No. 2015-02, Florence, Ý: Văn phòng Nghiên cứu của UNICEF)

Một cuộc thăm dò tiến hành trong năm 2013 – 2014 phát hiện rằng 68,4% trẻ từ độ tuổi 1 – 14 đã chịu một số hình thức "kỷ luật" bạo lực (trừng phạt thân thể hoặc tâm lý) từ các thành viên trong gia đình trong tháng trước khi tiến hành thăm dò; 42,7% trải qua các hình phạt thân thể và 2,1% trải qua các hình phạt thân thể nghiêm trọng (đánh vào đầu, mông, tai hoặc mặt của trẻ hoặc đánh nhanh và nhiều). Trẻ nam từng bị trừng phạt thân thể (48,5%) nhiều hơn trẻ nữ (36,6%). Trẻ em ở các hộ gia đình nghèo và những hộ gia đình mà chủ hộ có học vấn thấp có khả năng từng bị trừng phạt thân thể cao hơn. Ngược lại với sự phổ biến trên thực tế, chỉ có 14,6% số người được hỏi nói họ tin rằng trừng phạt thân thể là cần thiết trong quá trình nuôi dạy trẻ. Có 27,2% trẻ em chỉ từng tiếp nhận những hình thức kỷ luật không bạo lực.

(Tổng Cục thống kê & UNICEF (2015), Monitoring the situation of children and women: Viet Nam Multiple Indicator Cluster Survey 2014. Final Report, Hà Nội, Việt Nam: Tổng cục Thống kê)

Trong một nghiên cứu có phỏng vấn 30 người đàn ông từ độ tuổi 24 trở lên, chỉ có một người tham gia cho biết mình từng bị cha mẹ trừng phạt thân thể trong thời thơ ấu. Trừng phạt thân thể thường gắn với người cha và liên quan đến vai trò của họ là người giáo dục và người thi hành kỷ luật. Bị trừng phạt thân thể ở trường cũng rất phổ biến. Nghiên cứu phát hiện ra rằng bạo lực thường được coi là công cụ kỷ luật nhằm thiết lập và duy trì quyền lực của đàn ông, thông thường trong bối cảnh gia đình và điều này liên quan đến những trải nghiệm bị trừng phạt thân thể ở thời thơ ấu của họ. Nghiên cứu khuyến nghị rằng nên hành động để chấm dứt hình phạt  thân thể ở trường và khuyến khích những chương trình và nâng cao nhận thức về ảnh hưởng của hình phạt thân thể đối với sự phát triển của trẻ trong nỗ lực ngăn chặn bạo lực giới.

(Duc, D. T. et al (2012), “Teach the wife when she first arrives”: Trajectories and pathways into violent and non-violent masculinities in Hue City and Phu Xuyen district, Viet Nam, Chương trình Đối tác Phòng ngừa bạo lực giới, Cơ quan Phụ nữ LHQ & Quỹ Dân số LHQ)

Theo thống kê thu thập trong năm 2010, sau 4 vòng Điều tra Chỉ số theo cụm  UNICEF (MICS4), có 73,9% trẻ em từ độ tuổi 2-14 từng tiếp nhận các hình thức "kỷ luật" bạo lực (trừng phạt thân thể và/hoặc tâm lý) ở nhà trong tháng trước khi tiến hành điều tra. 55% bị trừng phạt thân thể, trong khi một phần nhỏ hơn (17,2%) gồm mẹ và người chăm sóc nghĩ rằng hình phạt thân thể là cần thiết trong quá trình nuôi dạy trẻ. Hơn một nửa số trẻ em (55,4%) trải qua hình phạt tâm lý (bị mắng, bị la, bị xúc phạm), 3,5% trẻ em bị trừng phạt thân thể nghiêm trọng (bị đánh hoặc bị tát vào mặt, đầu, tai hoặc bị đánh lặp đi lặp lại và mạnh dần).

(Tổng cục thống kê (2011), Viet Nam Multiple Indicator Cluster Survey 2011, Final Report, Hà Nội: Tổng cục thống kê)

Một nghiên cứu về các trung tâm cai nghiện ở xung quanh thành phố Hồ Chí Minh phát hiện rằng trừng phạt thân thể rất phổ biến, bao gồm đánh, lao động cưỡng bức và giam giữ trong "phòng trừng phạt". Năm 2007, 3,5% số người bị giữ lại để cai nghiện trong các trung tâm ở thành phố Hồ Chí Minh là trẻ em và nghiên cứu cũng ghi nhận một trung tâm dành cho thanh niên.

(Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (2011), The Rehab Archipelago: Forced Labor and Other Abuses in Drug Detention Centers in Southern Vietnam)

Trang này đã được dịch bởi đối tác của chúng tôi, Biên dịch viên không biên giới. Đối với bất kỳ nhận xét hoặc chỉnh sửa về nội dung hoặc bản dịch, hãy gửi email đến địa chỉ info@endcorporalastaemony.org

Translators_without_Borders